Ánh nắng ban mai đã xoa dịu dần cái lạnh của tiết trời. Nhiều hộ dân làm khô ở Tiệm Tôm (ấp An Thuận, xã An Thủy, huyện Ba Tri) đã bắt đầu công việc một ngày mới. Cá đã được làm kỷ, xẻ đôi loại bỏ phần xương và ướp muối kèm theo gia vị, xếp lên sàn để đón nắng mặt trời. Chị Nguyễn Thị Linh cho biết, trãi qua nhiều thế hệ, cuộc sống người dân Tiệm Tôm trực tiếp hoặc gián tiếp đều có liên quan đến nghề biển.
Những hộ có ghe, tàu thì ra khơi đánh bắt cá, tôm. Những hộ khác thu mua, lựa cá phân loại và vận chuyển đến các nơi khác bán hoặc làm khô. Người làm khô chia thời gian mỗi năm thành 2 mùa thuận và nghịch. Vào mùa gió Nam là thuận, mùa gió chướng, tàu đánh bắt sang cửa, sản lượng cá, tôm về cảng rất ít. Người làm khô phải mua thêm cá từ các nơi khác. Theo chị Linh, thời điểm này, khô “bán chạy”. Khô phơi nắng trong ngày là thương lái đến thu mua ngay. Thị trường tiêu thụ không dừng lại trong tỉnh mà còn lan sang các tỉnh.
Mỗi buổi sáng, người ta đem khô ra phơi nắng trước sân nhà. Rồi tiếp tục ra cảng mua cá đem về làm khô. Cá phơi đến xế chiều bán thương lái. Công việc của họ cứ thế ngày qua ngày. Một kg cá linh giá 9.000 đồng khi làm thành khô bán giá từ 45.000-60.000 đồng/kg. Cá lù đù sống giá 17.000 đồng/kg, khô giá 40.000 đồng. Người làm khô ở Tiệm Tôm chia khô thành nhiều loại và đi kèm theo là giá. Trong đó, tôm khô nằm trong nhóm cao cấp. Chủ hộ sản xuất tôm khô Quách Tùng cho biết, tôm chì thành khô loại 1 giá từ 400.000 – 500.000 đồng/kg, còn tôm sắt giá thấp nhất cũng trên 150.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày hộ Quách Tùng mua 500 kg tôm tươi để làm khô. Cứ 10 kg tôm tươi cho ra 0,9 kg tôm khô. Theo những người làm khô, đây là công việc chủ yếu lấy công làm lời, mỗi ngày đều làm và cả nhà đều tham gia. Thu nhập tuy không cao nhưng mỗi ngày đều có, đảm bảo ổn định cuộc sống.
Anh Tô Phúc – Phó Trưởng ấp An Thuận cho biết, toàn ấp có 1.226 hộ, trong đó có 300 hộ gắn bó với nghề làm khô. Hàng năm cung cấp cho thị trường gần 1.500 tấn khô các loại, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng và mới đây được công nhận làng nghề. Nhưng cái khó là chưa được sự đầu tư thiết bị để giảm bớt khâu làm thủ công. Đặc biệt vào mùa mưa, người làm khô gặp khó khăn trong phơi. Đáng quan tâm hơn là chưa có thương hiệu khô Tiệm Tôm.